Đào tạo nghề luật sư tại Việt Nam Luật_sư

Theo Luật Luật sư năm 2006, người tốt nghiệp đại học luật muốn trở thành luật sư sẽ phải tham dự khóa đào tạo nghề luật sư trong thời gian 06 tháng. Người hoàn thành khoá học sẽ được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư. Một số người có đủ tiêu chuẩn nhất định thì được miễn học khóa đào tạo này, ví dụ: người có học vị Tiến sĩ luật, người đã từng là Thẩm phán, người đã là giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật... Hiện tại, Học viện tư pháp (trực thuộc Bộ Tư pháp) là nơi duy nhất đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam.

Những người đã có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư (và những người được miễn học khóa đào tạo nghề luật sư), nếu muốn hành nghề phải tập sự tại tổ chức hành nghề luật sư (Văn phòng luật sư hoặc Công ty Luật), dưới sự hướng dẫn của một Luật sư, và phải đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư tỉnh/thành phố nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự. Thời gian tập sự là 18 tháng. Một số người có đủ tiêu chuẩn nhất định thì được miễn tập sự (ví dụ: người có học vị Tiến sĩ luật) hoặc giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư (ví dụ: giảng viên luật).

Kết thúc thời gian tập sự, người tập sự hành nghề luật sư phải tham dự và vượt qua cuộc kiểm tra kết quả tập sự để được xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Người được miễn tập sự hành nghề luật sư phải nộp hồ sơ lên Bộ Tư pháp để xin cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Chứng chỉ hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp cấp.

Người được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư phải gia nhập một Đoàn luật sư để được cấp Thẻ luật sư. Thẻ luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp; trước Luật Luật sư năm 2006, thẻ luật sư do Đoàn luật sư nơi luật sư là thành viên cấp. Một người chỉ được chính thức coi là luật sư khi có Thẻ luật sư.